Những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-UĐN ngày 27.4.2016 (Kết luận 26) giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng đã minh chứng đây là hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển của hai địa phương.
Lãnh đạo hai địa phương ký kết văn kiện hợp tác trong những năm tiếp theo. Ảnh: V.LỘC
Khai thác những dư địa
Đánh giá chặng đường hợp tác phát triển giữa 2 địa phương 5 năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, công tác phối hợp giữa hai địa phương rất tốt, thể hiện qua việc chia sẻ, trao đổi thông tin, tham dự các buổi làm việc, các cuộc hội nghị, hội thảo…
Tuy vậy, để khai thác được những dư địa, Quảng Nam – Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn sự hợp tác liên kết trên một số lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các vùng giáp ranh Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, trong đó Đại Lộc đóng vai trò như một vùng đệm với Đà Nẵng về phía tây thông qua hành lang Đông Tây và các tuyến đường 14B, 14D kết nối Đà Nẵng lên cửa khẩu Nam Giang qua Lào, Thái Lan.
“Hàng hóa từ cửa khẩu Nam Giang về Đà Nẵng phải thông qua hành lang đường 14B, do đó điều kiện gắn kết giữa Nam Giang, Đại Lộc, đặc biệt là Đại Lộc với Đà Nẵng dọc theo tuyến đường này rất quan trọng.
Một lợi thế hiện nay của Đại Lộc là quỹ đất còn nhiều và Quảng Nam có thể định hướng xây dựng các tổng kho lớn và các khu công nghiệp lớn dọc theo tuyến đường ở Đại Lộc để làm căn cứ sản xuất, căn cứ hậu cần cho việc phát triển của Đà Nẵng” – ông Lê Trí Thanh phân tích.
“Tất cả không gian phải là chung. Không có biên giới trong sự phát triển của hai địa phương”.
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)
Một lĩnh vực cũng cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa là du lịch. Là trung tâm du lịch lớn ở miền Trung, Quảng Nam, Đà Nẵng có lợi thế rất lớn trong hợp tác khai thác những lợi thế để cùng phát triển.
Thời gian qua, dù việc hợp tác trong quảng bá, khai thác các sản phẩm du lịch được triển khai hiệu quả, nhưng vẫn còn một số loại hình du lịch hai địa phương chưa làm được như du lịch về nguồn, du lịch lịch sử… Trong đó du lịch nông nghiệp nông thôn dựa vào cộng đồng, dựa vào môi trường, bản sắc khu vực nông thôn vẫn còn manh mún…
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, hai bên cần phối hợp làm một chương trình mạnh mẽ để phát triển loại hình du lịch này, kể cả làm việc với các cơ quan trung ương và các địa phương bạn để có chương trình du lịch chung như hành quân về nguồn, cắm trại, dã ngoại kết hợp giáo dục truyền thống, thông qua đó tạo thêm sản phẩm du lịch mới đồng thời cũng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, miền núi.
“Rõ ràng đối tượng khách đi về nông thôn là một dòng khách khác, phân khúc khác không muốn đến một chỗ mà đến nhiều chỗ để tạo sự đa dạng, nên hai bên cần phối hợp với nhau để phát triển loại hình du lịch này” – ông Thanh đề xuất.
Khớp nối không gian phát triển
Lãnh đạo hai địa phương thống nhất cần tăng cường hơn sự hợp tác trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… để Quảng Nam, Đà Nẵng cùng phát triển.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng, hai địa phương nên có chung đề xuất với trung ương về những cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế để vùng kinh tế trọng điểm phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng, các dự án trọng điểm.
Khớp nối hệ thống giao thông đồng bộ kể cả đường bộ và đường thủy, cụ thể là hệ thống sông Cổ Cò; chỉ đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam phối hợp với Sở Du lịch TP.Đà Nẵng thúc đẩy du lịch phía nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Văn Quảng đồng quan điểm hai địa phương cần có chung tiếng nói và cách làm trong việc đề xuất trung ương những cơ chế chính sách phát triển vùng. Trước mắt, hai địa phương cần thống nhất triển khai một số công trình, dự án về giao thông như mở rộng quốc lộ 14B, tạo cơ chế, nguồn lực khơi thông sông Cổ Cò… qua đó khẳng định vai trò của hai địa phương trong liên kết vùng.
“Chúng ta cùng nhau phát huy những lợi thế riêng có mà không có sự trùng lặp về hướng phát triển. Cần khớp nối về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế. Thời gian tới nội dung hợp tác giữa hai địa phương phải có sản phẩm cụ thể theo từng năm. Đồng thời tạo cơ chế chủ động cho các địa phương, sở ngành mỗi bên…” – ông Quảng nói.
Lãnh đạo hai địa phương cùng nhìn nhận, mối liên kết hợp tác giữa hai bên rất chặt chẽ trên hầu hết lĩnh vực đời sống, xã hội. Vì vậy, việc kết nối hoàn chỉnh sẽ mang lại nhiều lợi thế, kết quả phát triển.
Đơn cử trên lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Nam có điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị và cũng đã xây dựng một số chuỗi giá trị trong các ngành hàng, trong khi Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ tốt, nhưng hầu như nguồn cung cấp từ Quảng Nam về Đà Nẵng còn tương đối ít.
Lãnh đạo hai địa phương cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được mối quan hệ cùng phát triển, một bên lo đầu ra một bên lo đầu vào, khi đó đời sống của nhân dân cũng khá lên, đáp ứng nhu cầu được hưởng thụ về nông nghiệp an toàn, thực phẩm an toàn của người dân.
Cùng với đó sự hợp tác các vấn đề môi trường, y tế, du lịch đường thủy như tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm cũng cần được thảo luận, bàn tính để nâng cao hiệu quả cũng như bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp hai địa phương.
dẫn nguồn: https://baoquangnam.vn/chinh-tri/quang-nam-da-nang-hop-tac-toan-dien-cung-phat-trien-126442.html
VĨNH LỘC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thầy Cô Ngọn Hải Đăng Soi Sáng Con Đường Đời
Chả Bò Đà Nẵng – Tinh Hoa Ẩm Thực Miền Trung
CHẢ BÒ NGON TRỨ DANH TẠI ĐÀ NẴNG
14 năm một chặng đường cửa hàng phân phối Chả bò Cô Huệ tại 59 Thép Mới, Tân Bình, HCM
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, lòng người lại hân hoan rạo rực……
Đặc sắc văn hóa ẩm thực truyền thống Đà Nẵng
Mùa thu bình yên ở vùng sông nước Bỉ
Chủ tịch Robot Nguyễn Phương Nam với 3 lần vượt bão