Nữ doanh nhân Thanh Truyền, CEO Kingtek Solar: ‘Tôi luôn tìm kiếm cái mới’

Năng động, biết nhìn sớm xu hướng mới là cách mà nữ doanh nhân Phan Thị Thanh Truyền lèo lái một công ty công nghệ.

Gia nhập thị trường năng lượng tái tạo từ rất sớm và phải vượt qua rất nhiều rào cản, bà Phan Thị Thanh Truyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Kingtek (Kingtek Solar), giờ đây đã thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn. Nữ doanh nhân này dự báo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới.

Bà Phan Thị Thanh Truyền :“Những lợi ích của việc tự sản xuất và tiêu thụ điện mặt trời áp mái vẫn rất hấp dẫn”.

Thị trường năng lượng mặt trời sẽ bùng nổ

– Bà nhìn nhận thế nào về sức hấp dẫn của thị trường điện năng lượng mặt trời, đặc biệt là phân khúc điện mặt trời áp mái?

Bà Phan Thị Thanh Truyền: Thị trường điện năng lượng mặt trời áp mái đã đi một chặng đường khá thú vị. Ban đầu mọi người dè dặt, sau đó sử dụng nhiều hơn và đã có những khoản đầu tư lớn. Để có được điều đó là nhờ Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân lắp điện mặt trời và quan trọng nhất là cho hòa vào lưới điện quốc gia nếu sử dụng dư thừa với mức giá mua khá tốt là 9,35 cent/kWh.

Bằng các chính sách kích cầu như vậy, người dân bắt đầu thấy đầu tư vào năng lượng mặt trời có hiệu quả. Dù số tiền đầu tư bỏ ra ban đầu khá lớn nhưng chỉ trong vòng 4-6 năm đã có thể hoàn vốn. Nhìn chung, theo tính toán của tôi, chỉ số IRR (tỉ lệ hoàn vốn nội bộ) thường trên 18%, một con số hiệu quả để đầu tư cho một dự án.

– Bà có thể nói cụ thể hơn về những hiệu quả mang lại khi đầu tư điện mặt trời?

Nói dễ hiểu thế này: Một người đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 10 kWp (1 kWp = 4 kWh/ngày), diện tích mái khoảng 60 m2… thì gói đầu tư hiện nay trên thị trường tầm khoảng 200 triệu đồng. Bình quân hệ thống này sẽ tạo ra hơn 1.200 kWh/tháng.

Như vậy, người đầu tư vừa có sử dụng cho gia đình và số dư bán ra cho công ty điện lực cũng được 3,6 triệu đồng mỗi tháng. Tính ra một năm nhà đầu tư thu được hơn 40 triệu đồng. Trong vòng từ năm năm là lấy được tiền vốn đầu tư. Sau thời gian hoàn vốn, người đó có đều đặn dòng tiền 3,6 triệu đồng/tháng trong vòng suốt 25 năm.

– Với sức hấp dẫn như vậy, thị trường điện mặt trời áp mái hẳn là đang cạnh tranh rất nóng?

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Sự cạnh tranh rõ ràng là khốc liệt hơn nhưng đổi lại người dân dễ dàng lựa chọn một đơn vị cung cấp có giá cả hợp lý cả về chất lượng và dịch vụ.

Nhìn chung dư địa thị trường vẫn còn khá lớn. Chính sách minh bạch và khuyến khích với điện mặt trời áp mái, cộng với việc nhu cầu sử dụng điện gia tăng và nhiều khả năng xảy ra thiếu hụt nguồn cung điện trong trung hạn là những động lực chính giúp thị trường điện mặt trời áp mái Việt Nam phát triển bền vững.

Không sợ thừa điện mặt trời

– Những ngày đầu gia nhập điện mặt trời áp mái, chắc công ty của bà cũng gặp không ít khó khăn dù thấy tiềm năng của thị trường?

Đúng là rất khó trong việc đi thuyết phục khách hàng vì khách hàng thấy giá đầu tư cao, trong khi đó chưa thấy sự chắc chắn là có thể hòa lên lưới điện quốc gia và bán điện kiếm tiền. Khi đó chúng tôi phải kết hợp với các công ty điện lực để tổ chức các hội thảo giới thiệu, giải đáp, phân tích tính hiệu quả của dự án. Hơn nữa, trước đây Nhà nước chưa có chính sách cụ thể mua điện như thế nào nên thực sự các bên đầu tư bằng niềm tin.

May mắn sau này có Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nên việc kinh doanh, đầu tư trở nên dễ dàng. Người dân cũng nhận thấy đầu tư điện mặt trời là có hiệu quả nên ngày càng đầu tư nhiều hơn.

– Nhưng thưa bà, có thông tin cho rằng nhiều dự án bán điện nhưng Nhà nước không mua hết?

Đúng là có việc này. Nguyên nhân là do khu vực đó hệ thống lưới điện không thể tải nổi lượng công suất lớn cùng một lúc. Điều này đang xảy ra tại các dự án nhà máy lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận.

Nhưng tôi cho rằng việc giải quyết vấn đề này không quá khó, chỉ cần có thời gian để Nhà nước xây dựng hạ tầng điện để giúp tiêu thụ nguồn điện năng lượng tái tạo. Hơn nữa làm điện năng lượng mặt trời áp mái đang rất được phía điện lực ủng hộ và khuyến khích.

– Với thị trường năng lượng tái tạo, ngày càng nhiều các nhà máy điện gió được đầu tư, chưa kể điện lực thường mua điện ưu tiên giá nguồn phát rẻ nhất. Liệu rằng điều này có dẫn đến sự bão hòa và ảnh hưởng đến điện mặt trời áp mái?

Các con số thống kê cho thấy Việt Nam đang cần bổ sung nguồn điện rất lớn. Đặc biệt Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tăng mạnh, du lịch dịch vụ, khu đô thị mở rộng nên cần tăng trưởng nguồn điện có thể đến hai con số mỗi năm.

Trong khi đó, cho dù có nhiều nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo nhưng vẫn thiếu vì dự án điện hạt nhân đã bị hủy, nguồn thủy điện đã khai thác gần hết hạn mức, các nhà máy nhiệt điện thì không thể đầu tư rộng vì ô nhiễm môi trường… Do vậy chúng ta không sợ bão hòa.

Ngoài ra, có một điều khá thú vị là các công ty điện lực cũng đang chạy đua chỉ tiêu năng lượng sạch, cụ thể trong một năm phải hòa lưới điện bao nhiêu MWP điện mặt trời. Do vậy, các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực này nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ phía điện lực, từ làm thủ tục nhanh, gọn, lẹ cho đến khảo sát đường dây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0902.554.339