Những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Huy Thọ |
Sau những ngày tù cẳng, chán phố thị bêtông bít bùng, người miền xuôi thèm ít không khí thanh sạch và cảnh trí mới mẻ. Nhưng đi đâu? Ngắm mãi những cánh đồng, bờ biển miên man phẳng lặng cũng nhạt. Thế là, người người gọi nhau đi săn những đường nét thật mới mẻ của núi của đồi, với những đèo gấp khúc giăng mây phủ, đột ngột lên cao rồi bất ngờ hẫng xuống, mở ra hết cổng trời này đến cổng trời khác.
Tháng Chín, tháng Mười, người ta lại rủ nhau khám phá những bức tranh miền núi đượm nắng rót vàng như mật ong, những thửa ruộng bậc thang óng ả, uốn lượn mải miết mà dễ chẳng có khung hình nào đóng vừa.
Cõng nước lên non
Có điều, người miền xuôi, người thành thị đi săn cái đẹp thì thấy lãng mạn, nhưng người miền núi thấy cảnh ruộng cheo leo thế vất vả gì đâu.
Thực ra, trên khắp dải miền núi phía Bắc này, từ Tây sang Đông, những tộc người có điều kiện đến trước làm chủ được những thung lũng rộng lớn, hoặc ít ra cũng cư trú ở những bản làng thấp sát bờ sông suối như người Tày, Thái không mấy khi ngó tới chuyện làm ruộng nước trên những rẻo đất vừa hẹp vừa dốc đứng. Chỉ có người Mông, người Dao đến sau, như câu ca “Hán/Kinh/ chiếm đầu chợ, Tày chiếm đầu ruộng/ Dao chiếm đầu nguồn nước, H’mông chiếm núi đá” (*) mới phải cõng, giữ từng hạt nước nơi cheo leo.
Bản làng, ruộng nương của người Dao còn ở thấp hơn một khoảng, người Mông tới muộn hơn chỉ còn cơ hội làm ruộng được ở những nơi lắt léo khó đi nhất. Đó cũng là những nơi chứa đựng những khung hình kỳ vĩ bậc nhất.
Len lỏi trên những vách đá nhọn để trồng lúa ở Hà Giang. Ảnh: Huy Thọ |
Để biến non cao sừng sững, nơi sỏi đá đã thi gan thách thức con người cả triệu năm ấy thành những đường nét uốn lượn dập dờn mải miết, không có cách nào khác là phải tạc vào núi theo đúng nghĩa đen.
Thiếu đất, khan nước nên phải dẫn nước, xưa nối ống bương, giờ có ống nhựa, đưa vào những lườn đất nhỏ cứng đanh, nhiều chỗ chỉ vừa hai người đứng chen vai, chờ vài ngày đủ ẩm để nạy đất, cạy đá lên, để cuốc, để đầm cho tơi.
Dễ gì mà dùng những lưỡi cày, lưỡi cuốc bản to, cày xới được nhiều, được nhanh như người xuôi vẫn hay tự hào là tiến bộ hơn. Chỉ có những dụng cụ đặc biệt của người Mông, làm bằng thứ thép vừa dẻo vừa cứng mà không giòn, được tôi rèn với một bí quyết cho đến nay vẫn là tuyệt mật với người ngoại tộc mới đủ gan lì để có thể trụ lại với non cao sau bao nhiêu lần chém vào đất rặt những đá tai mèo sắc nhọn. Chỉ những lưỡi cuốc chim mũi nhọn, cuốc bướm có lưỡi sắt bằng bàn tay, lưỡi cày nhỏ mới đủ để gậy từng viên đá hoặc lách vào những khe đất, khe đá hẹp, từng tí một để có thêm nắm đất gạt xuống ruộng.
Thế là những mảnh ruộng thành hình, vòng này nối vòng kia đẹp mắt. Nhưng bởi rất ít đất, cố gọt vách, nên những vách bao dựng đứng chỉ nhỏ vừa một bàn chân người đặt xuống, bước phải đi nhanh thoăn thoắt chứ không thể dừng lại.
Ảnh: Nguyễn Trường Giang |
Đứng trên những triền ruộng công phu ấy, người miền núi lặng lẽ nâng niu giữ gìn từng tấc đất theo đúng nghĩa đen. Ruộng đất đồng bằng Bắc Bộ đã ít ỏi, đã phân mảnh, nhưng miền núi còn nhỏ lẻ hơn, phân tán hơn gấp trăm lần, không tích góp từng vốc đất, thậm chí bốc vào gùi cõng lên đổ từng kẽ đá để đặt thêm gốc ngô thì lấy gì ăn những ngày giáp hạt?
Nói không ngoa chút nào, rằng những động tác tạo hình cho từng thửa ruộng đều phải hết sức tỉ mẩn, không khác gì người thợ điêu khắc cho núi.
Ảnh: Nguyễn Trường Giang |
Công trình xuyên thế kỷ được tạc khắc ngày này qua năm khác, suốt vòng đời mỗi con người, suốt nhiều thế hệ dễ đã đến hai trăm, hay ba trăm năm có lẻ – các nhà dân tộc học chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm các tác giả cừ khôi làm nên những bức điêu khắc này bước vào miền Bắc Việt Nam, nhưng ít nhất ký ức tộc người đã lưu dấu tương đối như vậy.
Kẻ đến muộn kiệm lời
Có lẽ quá trình tạo tác biểu tượng của khắc nghiệt thành bức tranh kỳ vĩ nơi thâm sơn cùng cốc này cũng là biểu tượng cho tính cách, cho tri thức vùng cao. Cả dáng hình đường nét ruộng bậc thang, tính tiếp nối kiên trì cũng có nét tương đồng với vòng đời người miền núi.
Vài trăm năm, mà cũng dễ nghìn năm trôi qua, người miền núi cứ lặng lẽ và tuần tự như thế, con nằm trên lưng mẹ đi nương, ra ruộng từ lúc còn đỏ hỏn, nhát cuốc đẽo vào núi, ráo mồ hôi lại se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, đan lát từng cái rế nồi, cái rọ gà, rọ lợn trong nhà, cái đó bắt cá ngoài suối, tay chân lúc nào cũng lấm lem màu chàm, màu đất.
Ai đi miền núi để ý mà xem, những khuôn mặt hiền lành hay cúi, đôi mắt hay nhìn xuống, nhất là người phụ nữ, gùi lúc nào cũng trên lưng, ngừng tay cuốc ngồi nghỉ lại thêu thùa, không mấy ngày được ngẩng lên. Thành ra kiệm lời, nói lời nào cũng thực thà như đếm, lỡ gặp ai người miền xuôi khôn ngoan nói nhiều là người miền núi lúng ta lúng túng không biết đối đáp thế nào.
Những tác giả kiệm lời không tên, không lưu một văn tự ghi chép (và thực ra hầu như không có chữ, không biết chữ) nhưng có một tư duy thẩm mỹ và không gian sâu sắc, luôn nhất quán trong cách tạo hình, không xé lẻ phá vỡ bố cục, tạo bức tranh hòa hợp với núi non. Đó là đặc trưng của tri thức dân gian, thứ trao truyền hết đời này qua đời khác, không thể giải thích nhiều lời, chỉ có thể lặng lẽ nhìn nhau làm, lặng lẽ cảm nhận cái thẩm mỹ của người đi trước.
Thực ra tri thức đó cũng chính là lựa chọn lấy điều phù hợp nhất với sinh tồn của cộng đồng trong điều kiện khắc nghiệt, như sau này giới nông nghiệp giải thích rằng canh tác ruộng bậc thang là cách làm thông minh giống kiến thức tạo mương theo đường đồng mức để tăng diện tích lưu trữ nước, dinh dưỡng, chống xói mòn.
Người miền núi thì không biết kiến giải thứ tri thức ấy của mình. Những người đàn ông, được học cày cuốc, dao gài thắt lưng từ thuở lên mười; những người phụ nữ, biết bắt những mũi thêu đầu tiên về ruộng đồng xung quanh, cũng chỉ thuở lên tám, cứ thế mà ghi nhớ ký ức của cộng đồng.
Ảnh: Nguyễn Trường Giang |
Bao nhiêu cảm nhận về thế giới tự nhiên, núi đồi xung quanh không biết vẽ, viết vào đâu, chỉ biết thêu vào vạt áo, gấu quần. Tinh tế, cầu kỳ thật đấy, và đúng là biểu tượng văn hóa truyền đời nhưng chỉ làm thế thôi chứ cũng không biết kể cho ai nghe.
Tình yêu, lòng cảm tạ trời, đất, cỏ cây xung quanh, tình cảm lứa đôi cũng không biết diễn đạt thành những lời ca lấp lánh, những câu chuyện cầu kỳ, có hát cũng thật hột thế này:
“Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng, em không có lòng thì thôi, có lòng thì về ta ở với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”.
Chứ không như người miền xuôi luôn khéo léo:
“Yêu nhau đứng ở đàng xa, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”.
Những câu chuyện của người miền núi, sinh động và còn nhiều điều chưa biết, nhưng thường chẳng mấy khi được nhắc, vì lịch sử được ghi lại bằng chữ viết vốn chỉ nhìn từ dưới đồng bằng lên. Đồng bằng là những nét đậm, tỉ mỉ, miền núi là những nét mờ nhạt xa lạ trong lịch sử.
Bỗng chốc, trong có chục năm, người miền núi lạc vào một khung cảnh mới, nào là đường nhựa, chợ đông tấp nập, mua bán đổi chác nhanh chóng, nào là xe cộ, nào là điện thoại, nào là bốn chấm không. Ruộng bậc thang trở thành tâm điểm đông nghẹt người vào mọi mùa, từ mùa nước đổ, mùa lúa xanh non, mùa cốm, mùa vàng.
Nhanh chóng trở thành điểm đến mới nhưng lịch sử, văn hóa miền núi chưa chắc đã có chỗ đứng riêng trong một không gian hiện đại, bởi người miền xuôi đã chở cả tư duy đồng bằng và khuôn mẫu đô thị lên miền núi để xây nhà, làm du lịch.
Ảnh: Nguyễn Trường Giang |
Người miền núi vẫn đãi đằng người miền xuôi bằng tấm lòng rộng rãi thực thà, lúa nếp non dẻo, cốm thơm, táo hồng hai má và rượu ngô ủ kín mấy mùa, để người miền xuôi năm nào cũng đến hẹn lại lên.
Ở trên này, người miền núi sống hài hòa với thiên nhiên, mái nhà không lòe loẹt đồ sộ, chỉ có màu nâu xám của gỗ, thâm thấp nép vào sườn núi, bồn chồn trước những miếng mụn vá to đùng của người miền xuôi mang lên vùng núi Sa Pa, Tam Đảo, mỗi ngày lại to thêm, lấn át cả núi non vốn đang là tấm thổ cẩm điểm những đường thêu ruộng bậc thang. Họ xa lạ với lối canh tác đồng bằng đầy quy củ và chặt chẽ, những nhà kính nhà lưới trắng toát không có sức sống đã bắt đầu len lỏi vào những thửa ruộng bậc thang vùng cao.
Giữ gìn không gian vùng cao không chỉ dành cho người vùng cao. Đấy còn là giữ chỗ cho người vùng xuôi ngước lên mà tắm mát lại những tâm hồn đã bị đô thị bào mòn.■
(*) Tục ngữ H’mông – Nguyễn Mạnh Tiến sưu tầm, trong “Nguyễn Mạnh Tiến, Những đỉnh núi du ca”, NXB Tri Thức, 2017.
Theo Nguồn Tuổi Trẻ
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thầy Cô Ngọn Hải Đăng Soi Sáng Con Đường Đời
Chả Bò Đà Nẵng – Tinh Hoa Ẩm Thực Miền Trung
CHẢ BÒ NGON TRỨ DANH TẠI ĐÀ NẴNG
14 năm một chặng đường cửa hàng phân phối Chả bò Cô Huệ tại 59 Thép Mới, Tân Bình, HCM
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, lòng người lại hân hoan rạo rực……
Đặc sắc văn hóa ẩm thực truyền thống Đà Nẵng
Mùa thu bình yên ở vùng sông nước Bỉ
Chủ tịch Robot Nguyễn Phương Nam với 3 lần vượt bão